
Theo hợp đồng đã ký với Công ty CP Xây dựng số 3 (VINACONEX 3) – chủ đầu tư dự án BOT chợ Phương Lâm trước đây – các tiểu thương được quyền sử dụng ki-ốt trong thời hạn 29 năm 7 tháng, với toàn bộ chi phí xây dựng, bảo trì, bảo hành đã được tính trọn gói.
Tuy nhiên, kể từ khi Công ty CP Đầu tư, Xây dựng, Quản lý, Kinh doanh chợ Phương Lâm tiếp quản cách đây 3 năm, hàng loạt quy định mới được đưa ra, gây nhiều bức xúc.
Một trong những thay đổi gây tranh cãi là yêu cầu các tiểu thương đóng thêm phí bảo trì hàng năm (660.000 đồng/hộ) cho các hạng mục như điện, nước, phòng cháy chữa cháy.

Ông Nguyễn Tiến Mai – nguyên Giám đốc Dự án BOT chợ Phương Lâm – khẳng định: “Toàn bộ chi phí bảo trì đã được tính trọn gói trong hợp đồng. Việc yêu cầu đóng thêm là sai quy định. Nếu có sự cố, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm sửa chữa”.
Không dừng lại ở đó, nhiều tiểu thương còn phản ánh Ban Quản lý chợ (BQL) yêu cầu ký lại hợp đồng mới với các điều khoản bất lợi, như quy định nếu không kinh doanh liên tục 3 tháng sẽ bị thu hồi ki-ốt. Điều này bị cho là vi phạm hợp đồng gốc.

Bà Phạm Thị Út, một tiểu thương, bức xúc: “Chúng tôi mua quyền sử dụng gần 30 năm, giờ nghỉ vài tháng lại bị dọa thu ki-ốt là vô lý. Nhiều khoản thu khác cũng được đưa ra mà không hề có đối thoại công khai”.
Căng thẳng gia tăng khi BQL chợ ra thông báo sẽ ngừng cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, vệ sinh… nếu tiểu thương không nộp khoản phí mới. Động thái này bị cho là tạo sức ép, khiến nhiều hộ kinh doanh rơi vào tình cảnh hoang mang, lo sợ.

Không chỉ thu phí, việc tháo dỡ các hạng mục quan trọng như bãi gửi xe, khu hàng ăn mà không xây dựng thay thế khiến tình hình thêm nghiêm trọng. Theo các tiểu thương, đây là nguyên nhân chính khiến khách hàng giảm mạnh.
Chị Nguyễn Thị Kim Thư, tiểu thương lâu năm, cho biết: “Giờ không còn bãi gửi xe, khách không biết đỗ ở đâu, đành quay đi. Để xe giữa lối đi thì nguy hiểm, dễ mất cắp. Nếu xảy ra mất mát thì ai chịu trách nhiệm?”.
Chị Nguyễn Thị Thanh, khách hàng phường Tân Thịnh, chia sẻ: “Tôi đến chợ vài lần nhưng loay hoay không tìm được chỗ gửi xe. Gửi ngoài thì không yên tâm, trong thì lại cấm đỗ”.
Còn bà Chu Thị Duyên phản ánh: “Họ đem khu gửi xe cho thuê trông ô tô theo tháng. Khách đi chợ thì không có chỗ đỗ. Biển ‘cấm đỗ’ giăng khắp nơi khiến ai cũng ngại đến. Trước thì ế ít, giờ thì vắng tanh”.

Nhiều hộ kinh doanh cho biết, lượng khách đã giảm mạnh trong những tháng gần đây. Nhiều ki-ốt phải đóng cửa vì doanh thu không đủ duy trì hoạt động.
Trước thực trạng trên, các tiểu thương đã nhiều lần kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Họ mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, kiểm tra hoạt động của BQL chợ, buộc đơn vị này tuân thủ đúng hợp đồng đã ký, khôi phục lại các hạng mục thiết yếu.
“Chúng tôi chỉ mong được yên ổn làm ăn theo hợp đồng. Hãy trả lại bãi xe, khu ăn uống để chợ sôi động trở lại – có lợi cho cả người dân và thành phố,” bà Duyên nói.
Ngày 27.5, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thái Hòa – Chủ tịch UBND phường Phương Lâm – cho biết, đơn vị đã có báo cáo về việc nhiều hộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Phương Lâm không đồng thuận với các khoản tăng phí dịch vụ. Hiện nay, đang chuẩn bị tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố Hòa Bình, doanh nghiệp và hộ kinh doanh để giải quyết vấn đề.
Nguồn: https://laodong.vn/ban-doc/tieu-thuong-o-hoa-binh-keu-cuu-vi-bi-ap-phi-vo-ly-mat-bai-xe-1513616.ldo