
Kết luận nguyên nhân sự cố
Tổ giám định nguyên nhân Dự án hồ chứa nước Đắk N’Ting (gọi tắt là Tổ giám định 1552, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), thành lập theo chỉ đạo của UBND tỉnh) đã có kết luận nguyên nhân sạt trượt.
Theo đó, nguyên nhân hình thành khối trượt bắt nguồn từ tổ hợp các yếu tố bất lợi về địa hình, địa chất, thủy văn và tác động của con người.
Khu vực sườn đồi bên phải công trình có địa hình dốc, nền đất là các lớp bazan phong hóa mạnh, khả năng chịu lực thấp, dễ bão hòa.
Cấu trúc địa chất theo phương nghiêng về phía lòng hồ, làm mất ổn định khi nước ngầm tăng cao. Trước khi xây dựng công trình, sườn đồi bên phải có hệ số ổn định bằng 1,05, cho thấy vai phải của công trình có nguy cơ mất ổn định.
Năm 2023 có lưu lượng mưa lớn kỷ lục. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây biến động lớn đến mực nước ngầm trên mái dốc, làm thay đổi các chỉ tiêu cơ lý của các lớp địa chất gây ra sạt trượt sườn đồi.
Ngoài ra hoạt động canh tác tự phát trên đồi đã tạo nhiều rãnh xói. Nước mặt tập trung, ngấm sâu, làm tăng áp lực nước ngầm. Hệ số ổn định mái dốc giảm mạnh. Khối trượt dịch chuyển mạnh về phía công trình, gây phá hoại nặng nề các hạng mục: thân đập, tràn xả lũ, mặt đập.
Tổ giám định 1552 kết luận, mưa lớn kéo dài liên tục kết hợp với điều kiện địa hình, địa chất phức tạp gây ra khối trượt trên sườn đồi công trình. Sự dịch chuyển của khối trượt tác động trực tiếp đến công trình, gây ra hư hỏng tại tràn xả lũ, đập đất.
Đây là nguyên nhân bất khả kháng gây ra sự cố sạt trượt hồ chứa nước Đắk N’ting.
Công trình chính được gia cố toàn diện
Theo Tổ giám định 1552, hiện đập đất của công trình xuất hiện nhiều khu vực bị nứt, gãy, vỡ. Thân đập có hiện tượng đùn trồi, dịch chuyển cao hơn thiết kế gần 0,5m làm cho đất đắp tại đoạn này bị phá hoại, tách lớp và gây thấm mạnh. Đập đất của hồ chứa nước Đắk N’ting hiện tại không bảo đảm an toàn để tích nước.
Tràn xả lũ của công trình đã bị nứt, vỡ ở nhiều vị trí và không bảo đảm an toàn. Tường cánh thượng lưu, hạ lưu, các vị trí khe nối đã biến dạng. Phần tiếp giáp giữa nền và bê tông bản đáy tràn đã có sự chuyển vị, phá hủy.
Cầu tràn của công trình bị tác động khá lớn. Một số nhịp cầu xuất hiện vết nứt kéo dài, rộng. Một số dầm ngang có hiện tượng bị nứt, bong tách ra khỏi chủ dầm. Một số mố, trụ, gối cầu bị xô lệch, hư hỏng, mất an toàn.
Tổ giám định 1552 cho rằng, khối trượt sườn đồi gần hồ chứa nước Đắk N’ting có nguy cơ cao xảy ra sạt lở vì khu vực này hội tụ đủ các yếu tố bất lợi.
Trước nguy cơ trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông đề xuất các giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài đối với công trình hồ chứa nước Đắk N’ting. Trước mắt, toàn bộ hồ được giữ mực nước thấp nhất và dừng hoàn toàn việc tích nước.
Thoát nước được thực hiện qua cống hoặc lắp đặt hệ thống xi-phông cưỡng bức. Các vết nứt trên mái dốc được lấp trám bằng đất sét, phủ nilon chống thấm.
Công trình được giám sát chặt, rào chắn các khu vực nguy hiểm, cắm biển cảnh báo, đồng thời tổ chức di dời người dân nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp.
Về lâu dài, phần công trình chính được gia cố toàn diện. Tổng kinh phí khắc phục sự cố sạt trượt tại hồ chứa nước Đắk N’ting dự kiến hơn 23,1 tỉ đồng.
Trước đó, Báo Lao Động thông tin, Dự án hồ chứa nước Đắk N’Ting được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào năm 2018. Tổng mức đầu tư gần 137 tỉ đồng, do Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư.
Dự án hồ chứa nước Đắk N’Ting có dung tích hơn 2,1 triệu m3. Mục tiêu của dự án là cung cấp nước tưới cho 680ha cây trồng và sinh hoạt của khoảng 1.000 hộ dân xung quanh.
Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8.2023, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, tại mặt đập công trình hồ chứa nước Đắk N’Ting xuất hiện cung trượt lớn kéo dài.
Do tình hình sụt trượt diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Đắk Nông đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại công trình hồ chứa nước Đắk N’Ting.
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/nguyen-nhan-ho-chua-hon-21-trieu-m3-nuoc-bi-sat-truot-1481870.ldo