Trong khi nhiều khu chợ được đầu tư bài bản, quy mô lớn nhưng lại rơi vào tình cảnh vắng bóng người mua, thì không ít chợ tự phát – vốn hình thành từ nhu cầu thực tế của người dân – lại luôn nhộn nhịp và sầm uất. Chợ Bà Định, nằm tại phường Yên Đổ (TP. Pleiku, Gia Lai), là một ví dụ điển hình. Dù không nằm trong quy hoạch chính thức, chợ vẫn tồn tại, phát triển suốt gần ba thập niên, trở thành điểm đến quen thuộc của người dân địa phương mỗi sớm mai.

Tên chợ bắt nguồn từ một người phụ nữ… bán cá

Tên gọi “chợ Bà Định” không phải do chính quyền đặt mà xuất phát từ người dân. Bà Lê Thị Nữ, thường được gọi thân mật là Sáu Nữ, là chủ sạp bán cá tôm ở trước căn nhà số 31 Tô Hiến Thành. Sinh ra tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, bà theo gia đình lên Pleiku lập nghiệp trong những năm chiến tranh.

Khu chợ nhỏ tồn tại gần 3 thập kỷ giữa lòng Pleiku, cái tên bắt nguồn từ câu chuyện không ai ngờ tới - 1

Sau khi kết hôn với ông Đỗ Văn Hiền, bà sinh con trai đầu lòng và đặt tên là Định. Theo cách gọi truyền thống của người Việt, cha mẹ thường được gọi theo tên người con đầu lòng để tránh gọi tên tục. Từ đó, ông bà được gọi là “ông Định”, “bà Định”, và gian hàng của bà Sáu Nữ cũng dần được người dân nhắc tới bằng cái tên “sạp bà Định”. Lâu dần, khu vực này được gọi chung là “chợ Bà Định”.

Kể về những ngày đầu, bà Sáu Nữ cho biết, vào đầu những năm 1990, vợ chồng bà phải lo cho mười đứa con trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng eo hẹp. Tình cảnh thiếu trước hụt sau buộc bà phải tìm cách mưu sinh. Nhận thấy một số phụ nữ ở làng Pleiku Roh gần đó thường mang rau, thịt, tôm cá ra ngã năm gần nhà bán và thu được lợi nhuận khá, bà quyết định dựng một sạp nhỏ bán cá, thịt ngay cạnh.

“Ngày đó, sạp của tôi là lớn nhất khu này. Nhờ trời thương nên buôn bán cũng thuận lợi. Từ một mình tôi bán, dần dần có thêm nhiều người khác đến buôn, bán theo, và người ta gọi khu này là chợ Bà Định luôn”, bà kể lại.

Hành trình từ một sạp nhỏ đến khu chợ hàng trăm hộ

Ban đầu, chợ chỉ gồm vài người, sau tăng dần lên 15-20 người bán quanh ngã năm giao nhau giữa các đường Nguyễn Trãi, Tô Hiến Thành và Hồ Xuân Hương. Đến nay, chợ đã có hơn 200 hộ buôn bán, sinh sống dọc theo ba tuyến đường này. Từ một khu chợ nhỏ ở ngoại ô, chợ Bà Định nay đã nằm lọt giữa trung tâm thành phố, nơi đô thị hóa đang phát triển từng ngày. Tuy vậy, chợ vẫn giữ được nếp sinh hoạt quen thuộc: họp từ sáng sớm đến trưa, sau đó các sạp đồng loạt dọn hàng, nghỉ ngơi.

Không chỉ có lịch sử đặc biệt, chợ Bà Định còn giữ gìn được nhiều nét văn hóa giao thương truyền thống. Trước đây, tiểu thương ở đây không “nói thách” – hàng hóa được niêm yết một giá, người bán nói đúng giá, người mua không phải trả giá lâu. Bởi phần lớn các mặt hàng là nông sản, rau củ do người dân tự trồng, giá cả phổ biến, không chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, theo thời gian, lượng người buôn bán ngày càng tăng kéo theo những thay đổi trong cách thức giao dịch, một phần do sự cạnh tranh khốc liệt hơn trước.

Khu chợ nhỏ tồn tại gần 3 thập kỷ giữa lòng Pleiku, cái tên bắt nguồn từ câu chuyện không ai ngờ tới - 2

Điểm đặc biệt giúp chợ Bà Định thu hút khách là sự đa dạng, tươi ngon của các loại hàng hóa. Người dân địa phương cho biết, mỗi sáng sớm sau khi tập thể dục, họ thường ghé qua chợ mua thức ăn cho cả ngày. Tuy quy mô không lớn, nhưng tại đây, mọi thứ đều có: thịt, cá, tôm, rau xanh, trái cây… Giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo khiến nhiều người gắn bó với chợ suốt hàng chục năm.

Theo thời gian, các tuyến đường xung quanh chợ hình thành những khu vực buôn bán chuyên biệt: hải sản, gia cầm, trái cây tập trung dọc đường Hồ Xuân Hương; đồ uống, thức ăn vặt tập trung ở đường Tô Hiến Thành; còn các mặt hàng như quần áo, đồ gia dụng, giày dép thì chủ yếu bày bán trên đường Nguyễn Trãi. Ngã năm Nguyễn Trãi – Tô Hiến Thành – Hồ Xuân Hương là nơi sôi động nhất, tập trung đủ mọi mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu hằng ngày.

Bài toán nan giải về quản lý chợ tự phát

Tồn tại gần 30 năm nhưng chợ Bà Định vẫn là chợ tự phát, chưa được quy hoạch chính thức. Điều này dẫn đến nhiều bất cập: lấn chiếm vỉa hè, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường… Trước tình hình đó, vào năm 2017, UBND phường Yên Đổ từng đề xuất phương án di dời chợ về khu vực sân bóng làng Pleiku Roh. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến cộng đồng, người dân làng không đồng thuận vì lo ngại ảnh hưởng đến sinh hoạt và môi trường sống, nên kế hoạch phải tạm hoãn.

Hiện tại, chính quyền phường Yên Đổ đã thành lập tổ tự quản túc trực tại khu chợ để thường xuyên nhắc nhở, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng lề đường, đậu đỗ xe không đúng nơi quy định… Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Vì chợ không có tư cách pháp lý nên Nhà nước không thể thu thuế, trong khi vẫn phải bố trí lực lượng kiểm tra, giám sát hằng ngày.

“Buôn bán là nhu cầu chính đáng, chúng tôi không thể cấm nhưng cũng không thể để tồn tại mãi một chợ tự phát như vậy”, một cán bộ địa phương chia sẻ.

Khu chợ nhỏ tồn tại gần 3 thập kỷ giữa lòng Pleiku, cái tên bắt nguồn từ câu chuyện không ai ngờ tới - 3

Không thể phủ nhận vai trò của chợ Bà Định đối với đời sống dân sinh của người dân khu vực. Hàng trăm hộ gia đình đang dựa vào chợ để mưu sinh, và ngôi chợ này từ lâu đã trở thành một phần quen thuộc trong nhịp sống hằng ngày của Pleiku. Nhưng để quản lý hiệu quả, đảm bảo trật tự đô thị và an toàn cho người dân, chính quyền địa phương cần có một chiến lược lâu dài, hài hòa giữa quyền lợi của người dân và yêu cầu phát triển đô thị.

UBND TP. Pleiku hiện yêu cầu UBND phường Yên Đổ cùng các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định về hành lang an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ. Đồng thời, thành phố cũng đang nghiên cứu các phương án quy hoạch, sắp xếp hợp lý nhằm đảm bảo người dân có thể buôn bán hợp pháp, thuận lợi mà không gây ảnh hưởng đến trật tự và mỹ quan chung.

Về phía các tiểu thương, đa số đều mong muốn có một khu chợ được quy hoạch đàng hoàng để an tâm buôn bán lâu dài. “Buôn bán ở đây thuận lợi lắm, nhưng nếu có một nơi chính thức, được Nhà nước công nhận thì tốt hơn, cả người bán lẫn người mua đều yên tâm, lại dễ cho chính quyền quản lý”, một tiểu thương bày tỏ.

Nguồn: https://eva.vn/di-dau-xem-gi/khu-cho-nho-ton-tai-gan-3-thap-ky-giua-long-pleiku-cai-ten-bat-nguon-tu-cau-chuyen-khong-ai-ngo-toi-c40a635565.html