Bà Nguyễn Thị Duyên (thôn Ana, xã Dray Sáp) đứng lặng giữa vườn hồ tiêu mà thở dài. Gia đình bà Duyên có hơn 5 sào trồng hồ tiêu, nhưng năng suất năm nay giảm mạnh.

Bà Nguyễn Thị Duyên đứng hái tiêu giữa trời nắng gắt. “Nắng quá dễ mệt, nên tranh thủ hái chỗ có bóng râm trước, lát nữa trời dịu mới leo lên chỗ nắng”, bà Duyên chia sẻ.
“Năm ngoái tiêu được giá 76.000 đồng/kg, sản lượng khoảng 1,5 tấn, cũng đủ trang trải. Năm nay tiêu xấu lắm, chắc chỉ còn chưa đến một nửa.

Bà Nguyễn Thị Duyên đang ngồi tỉ mẩn nhặt từng cành lá lẫn trong hạt tiêu vừa hái. Bà Duyên nói làm kỹ vậy cho hạt tiêu sạch đẹp, bán được giá cao hơn.
“Đợt hồ tiêu ra bông vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm ngoái gặp nắng hạn kéo dài, tiêu rụng bông hết, nhìn mà xót ruột. Mất mùa kiểu này, tiền phân bón, công chăm sóc bỏ ra nhiều mà thu lại chẳng bao nhiêu. Chỉ mong giá tiêu giữ vững, nếu không chắc phải bỏ tiêu, tập trung vào cà phê thôi”, bà Duyên than thở.
Nỗi lo ấy không chỉ của riêng bà Duyên. Bà Nguyễn Thị Đào, chủ vườn hồ tiêu hơn 1ha đối diện nhà bà Duyên, cũng chung tâm trạng.
“Hạn hán, đất xấu, nước lại nhiễm phèn, tiêu năm nay chẳng khá hơn ai. Nhà tôi sản lượng chỉ còn khoảng 40-50% so với năm ngoái. Nhưng thôi, được cái giá cao gấp đôi, bán ra cũng có đồng ra đồng vào”, bà Đào nói.
Tuy nhiên, bà Đào cũng thừa nhận nhiều hộ trong vùng đã bỏ hồ tiêu để chuyển sang trồng cây ăn trái như sầu riêng, nhãn, vải, mít Thái vì cây tiêu giờ quá bấp bênh.

Bà Nguyễn Thị Đào vừa hái tiêu vừa chia sẻ: “Năm nay tiêu mất mùa, trái lưa thưa, hái cả buổi mà chẳng được bao nhiêu, nhìn mà xót ruột.”

Bà Đào nói năm nay tiêu mất mùa, trái ít hẳn so với mọi năm. Nhưng may nhờ giá tiêu lên cao, cũng gỡ gạc được phần nào, có đồng ra đồng vào lo cho gia đình.
Cách vườn hồ tiêu nhà bà Đào khoảng 4km, ông Tạ Năng Dũng, chủ vườn tiêu xen canh sầu riêng rộng 1,3ha, bùi ngùi nói: “Tiêu năm nay mất mùa, sản lượng chỉ còn chưa đến một nửa so với năm ngoái. Nhìn vườn hồ tiêu mà xót lòng. Nhưng may là giá tiêu tăng cao, cũng đỡ phần nào”.
“Năm ngoái tôi thuê nhân công hái hết 20 triệu, năm nay chỉ tốn chưa đến 8 triệu mà tính ra tiền thu về còn nhiều hơn”, ông Dũng vừa nói vừa nhìn về những trụ tiêu xen lẫn trong vườn sầu riêng xanh mướt đang trổ bông.

Ông Tạ Năng Dũng, ở Buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đang phơi tiêu vừa thu hoạch xong. Hạt tiêu được trải đều ra sân, phơi dưới nắng cho khô giòn.

Khi phơi khô, những hạt tiêu từ xanh chuyển sang đen, nhìn chắc nịch. Bà con hay gọi vui là “vàng đen” vì bán được giá, là nguồn thu nhập quan trọng của nhiều gia đình.
Theo ông Dũng, những năm gần đây, việc trồng xen canh nhiều loại cây đang là hướng đi hợp lý để giảm rủi ro.
“Bây giờ mà chỉ trông chờ vào một loại cây thì nguy hiểm lắm. Năm nào thời tiết thuận lợi thì còn khá, chứ gặp năm mất mùa như thế này thì coi như trắng tay. Nhờ có sầu riêng mà tôi vẫn còn nguồn thu ổn định, đỡ lo hơn nhiều”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cần mẫn chăm sóc vườn sầu riêng trồng xen với hồ tiêu. Ông Dũng cho biết làm vườn cứ phải tính đường dài, trồng xen canh rồi chuyển đổi dần dần, mỗi năm một ít, thì lúc nào cũng có thu hoạch, tiền bạc đỡ bấp bênh.
Không riêng gì Dray Sáp, nhiều vùng trồng tiêu khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Hoàng Viết Sơn ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) có 1,4ha đất trồng xen hồ tiêu, cà phê và sầu riêng, chia sẻ: “Tiêu năm nay mất mùa nhưng được giá, nên bà con cũng tạm yên tâm. Tôi trồng xen nên không quá lo lắng, hết vụ này lại có vụ khác bù vào. Cứ đều đều vậy thì sống được, chứ phụ thuộc mỗi cây hồ tiêu thì khó lắm”.

Ông Sơn vui vẻ chia sẻ về khu vườn của mình, nơi trồng ba loại cây ăn trái. Cứ hết mùa sầu riêng, ông lại tất bật thu hoạch cà phê. Xong xuôi, cả nhà nghỉ ngơi đón Tết, rồi lại vào vụ hái tiêu. Nhờ cách trồng xen canh này, thu nhập gia đình ông luôn ổn định và khá giả.
Theo Sở NNPTNT, Đắk Lắk hiện có hơn 28.500 ha hồ tiêu, giảm 2.500 ha so với năm 2022. Trong đó, diện tích cho sản phẩm là hơn 27.000 ha.
Diện tích hồ tiêu tiếp tục giảm, do giá tiêu hạt đã tăng trở lại nên người dân có lãi và chú trọng đầu tư chăm sóc hơn, song diện tích trồng mới thì tăng không đáng kể.
Người trồng tiêu ai cũng mong giá cả tiếp tục ổn định để bù lại thiệt hại do thời tiết gây ra. Nhưng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nhiều hộ dân đã tính đến phương án chuyển đổi cây trồng.
Một số hộ bắt đầu thử nghiệm giống tiêu mới ít bệnh hơn, số khác mạnh dạn chuyển sang cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn.
Nguồn: https://danviet.vn/gia-tieu-tang-cao-nhung-tai-sao-nong-dan-trong-tieu-tai-dak-lak-van-kem-vui-20250308112846517.htm