Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhận định hoạt động “cân rác tính tiền” như TPHCM đang làm không phải khái niệm mới, vốn đã tồn tại dưới hình thức thu mua đồng nát, sắt vụn.

Gần đây, theo ông Trung, cơ quan chức năng triển khai nhiều chương trình tương tự nhằm thúc đẩy tái chế rác thải, như mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất (EPR). Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất bao bì phải có trách nhiệm thu gom và tái chế phần bao bì đã đưa ra thị trường.

“Cân rác tính tiền” ở TPHCM chỉ là bước đầu - 1

Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Ảnh: Đình Trung).

Luật Bảo vệ môi trường quy định, từ năm 2025 người dân sẽ phải trả phí thu gom rác thải sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích, thay vì tính theo hộ như hiện nay. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm, mới có một số địa phương như Quảng Nam áp dụng.

Ông Trung nói việc TPHCM thí điểm “cân rác tính tiền” chỉ là bước đầu trong việc hình thành cơ chế trả phí theo lượng rác thải.

Bản chất không phải người dân mang rác đi bán lấy tiền, mà TPHCM đang triển khai tính phí thông qua việc bán túi rác định lượng 3kg, 5kg, 7kg, 10kg. Người dân mua túi theo nhu cầu, phân loại rác và nộp theo túi.

Theo ông Trung, mô hình này đã được áp dụng tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và đang được một số địa phương ở Việt Nam triển khai thành công.

“Xử lý rác không còn là việc riêng của chính quyền. Đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Nếu làm đúng, rác là tài nguyên, không phải gánh nặng. Đây là bước chuyển quan trọng trong thay đổi hành vi, thúc đẩy phân loại và giảm phát sinh rác tại nguồn”, ông Trung cho hay.

“Cân rác tính tiền” ở TPHCM chỉ là bước đầu - 2

Một nhân viên môi trường đang đi thu gom rác trên đường Trường Chinh, quận Tân Phú, TPHCM (Ảnh: An Huy).

Việt Nam thải ra 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, đa số là chôn lấp và thiêu đốt, gây thất thoát nguồn tài nguyên. 

Từ năm 2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50x50cm. Trong giai đoạn 2025-2026, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp, đẩy mạnh trách nhiệm tái chế của các cá nhân, doanh nghiệp. 

Hiện cơ sở hạ tầng và năng lực phân loại rác còn yếu, đầu ra rác thải thực phẩm chưa được kiểm soát tại các địa phương. Do đó, ông Trung cho biết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có hướng dẫn định mức thu gom chất thải, đôn đốc các địa phương, hình thành các doanh nghiệp tái chế chất lượng tại Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ninh…

“Cân rác tính tiền” ở TPHCM chỉ là bước đầu - 3

Giá thu gom, vận chuyển rác ở TPHCM từ 1/6.

Nguồn: https://dantri.com.vn/xa-hoi/can-rac-tinh-tien-o-tphcm-chi-la-buoc-dau-20250529092517591.htm