Tiền cát chiếm 1/3 tiền được hỗ trợ xóa nhà tạm
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 6.023 hộ đang sinh sống trong những căn nhà tạm, dột nát (chủ yếu sinh sống trên diện tích đất rừng, đất công, đất ngoài khu quy hoạch dân cư…). Trong đó, có 2.236 hộ đủ điều kiện, đã và đang được hỗ trợ “xóa nhà tạm” từ các chương trình, chính sách.
Trong năm 2025, tỉnh Đắk Nông dự kiến xây mới, sửa chữa hơn 1.700 căn nhà trong chương trình xóa nhà tạm. Tuy nhiên, hiện nay chương trình này đang gặp nhiều khó khăn do giá cát tăng cao, ảnh hưởng lớn đến chính sách và nguồn vốn đối ứng của người dân.

Tại thôn 9, xã Đắk Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, phóng viên gặp được chị H’Del Knul. Gia đình chị H’Del Knul vừa qua được chính quyền địa phương hỗ trợ 60 triệu đồng để thực hiện xóa nhà tạm, cùng với 40 triệu đồng đối ứng, chị H’Del Knul dự kiến làm căn nhà khoảng 40m2.
“Nhiều năm qua, vợ chồng tôi sống trong căn nhà gỗ đã xuống cấp nên được chính quyền địa phương hỗ trợ làm nhà xây. Ban đầu, chúng tôi dự kiến căn nhà hoàn thiện trong tháng 5, thế nhưng hiện nay vẫn chưa thể hoàn thiện vì thiếu cát, giá cát lại cao.
Tôi phải đi vay mượn thêm tiền họ hàng để mua cát mong sớm hoàn thiện căn nhà. Tôi cùng mong giá cát sớm hạ nhiệt để giảm bớt chi phí hoàn thiện nhà trong thời gian tới”, chị H’Del Knul chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều hộ gia đình tại huyện Krông Nô, Đắk Mik (tỉnh Đắk Nông) cũng đang gặp nhiều khó khăn trong khi xây dựng nhà. Nhiều gia đình thuộc diện xóa nhà tạm đang phải thi công cầm chừng hay dừng hẳn để chờ cát. Chính vì cát đang khan hiếm nên giá cát lên khá cao, ảnh hưởng đến việc xây dựng nhà của những hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Ghi nhận hiện nay, cát tại tỉnh Đắk Nông có giá khoảng 800 – 1 triệu đồng/m3. Một căn nhà thuộc diện xóa nhà tạm có diện tích từ 35-40m2 sẽ cần khoảng 20m3 cát. Với giá cát chiếm đến hơn 1/3 số tiền được chính quyền hỗ trợ sẽ khiến cho những gia đình thuộc diện xóa nhà tạm gặp khó.
Đẩy mạnh xóa nhà tạm
Theo ông Nguyễn Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, trước đây, nhiều hộ dân được một số đơn vị khai thác cát hỗ trợ cát để xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, việc xây nhà xóa nhà tạm cho người dân gặp nhiều khó khăn do khan hiếm cát. Tiền cát hết khoảng 20 triệu đồng trong tổng số tiền được hỗ trợ thì số tiền còn lại rất khó để xây dựng tiếp.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông cho biết, với hơn 2.200 hộ có đủ điều kiện được hỗ trợ xóa nhà tạm thì địa phương đã triển khai xây dựng từ nhiều nguồn. Trong đó, chương trình giảm nghèo bền vững có 541 hộ, địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ và đưa vào sử dụng 308/532 căn nhà (57%).
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 538 hộ đủ điều kiện. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ và đưa vào sử dụng 402/538 căn nhà (75%). Số còn lại các địa phương đang tăng cường triển khai, thực hiện.
Ngoài ra, theo Chương trình phát động xóa nhà tạm, nhà dột nát của Thủ tướng Chính phủ có 540 hộ đủ điều kiện. Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 83 căn nhà (15%). Bên cạnh đó, đầu tháng 5, Bộ Công an hỗ trợ thêm 30 tỷ đồng để xóa 500 căn nhà tạm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đắk Nông, hiện nay có nhiều chương trình chính sách phát triển kinh tế – xã hội khác nhau có nội dung về hỗ trợ nhà ở như: Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; cùng với đó là phong trào xóa nhà tạm nhà dột nát, nhà ở chính sách người có công, nhà đại đoàn kết,…
Tuy nhiên, mỗi chương trình lại thực hiện theo các quy định khác nhau, do đó, chính quyền địa phương, đặc biệt cấp cơ sở gặp nhiều khó khăn trong xác định, thống kê các hộ cần hỗ trợ. Vì thế, đã có trường hợp bị chồng chéo, trùng lặp danh sách trong quá trình thống kê, đăng ký nhu cầu.
Đặc biệt, giá vật liệu xây dựng tăng cao nên nguồn kinh phí hỗ trợ chưa đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân. Nhiều hộ gia đình khó khăn về kinh tế nên không có khả năng để đối ứng thêm kinh phí khi xây dựng nhà ở.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh Đắk Nông xác định, việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của cả hệ thống chính trị, các Sở, ngành, đơn vị có liên quan với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Tỉnh Đắk Nông cũng quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trong tháng 6/2025.
Nguồn: https://danviet.vn/gia-cat-tang-cao-nhieu-ho-gia-dinh-trong-dien-duoc-xoa-nha-tam-tai-dak-nong-gap-kho-khan-gi-d1334388.html