Sáp nhập Bình Định và Gia Lai, trung tâm hành chính – chính trị đặt tại Quy Nhơn

Ngày 28/4, HĐND tỉnh Bình Định tổ chức kỳ họp lần thứ 23 nhằm giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền, trong đó có việc xem xét, biểu quyết thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và phương án hợp nhất hai tỉnh Bình Định và Gia Lai.

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã trình bày hai tờ trình quan trọng: Một về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025 và một về việc hợp nhất hai tỉnh Gia Lai và Bình Định để thành lập tỉnh Gia Lai mới trực thuộc Trung ương.

Theo phương án đã được HĐND tỉnh Bình Định biểu quyết thông qua, sau sắp xếp, toàn tỉnh còn 58 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 41 xã và 17 phường, giảm 62,58% so với hiện tại. Đây là bước đi quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tạo điều kiện cho quản lý hiệu quả hơn.

Quy Nhơn là thành phố biển nổi tiếng của Bình Định, nơi sẽ đặt trung tâm hành chính của tỉnh Gia Lai mới. Ảnh: Dũng Nhân.

Đáng chú ý, đại biểu cũng thống nhất cao với chủ trương hợp nhất toàn bộ địa giới hành chính và dân số của hai tỉnh Bình Định và Gia Lai hiện nay để thành lập tỉnh Gia Lai mới. Tỉnh mới có diện tích 21.576km² và dân số khoảng 3,58 triệu người. Trung tâm hành chính – chính trị được xác định đặt tại TP.Quy Nhơn.

Sau sáp nhập, tỉnh Gia Lai mới sẽ có 135 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó gồm 110 xã và 25 phường. 

Liên quan đến việc bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau hợp nhất, UBND tỉnh cho biết, toàn bộ công chức, viên chức của hai tỉnh hiện nay sẽ được điều động về cơ quan, đơn vị mới tương ứng. 

Trước mắt giữ nguyên số lượng hiện có, sau đó tiến hành rà soát, tinh giản gắn với cơ cấu lại đội ngũ để nâng cao chất lượng.

UBND tỉnh Gia Lai mới cũng sẽ quan tâm bố trí nhà ở công vụ, phương tiện đi lại và điều kiện làm việc ổn định cho cán bộ, người lao động.

Quốc lộ 19 nối liền Gia Lai và Bình Định. Ảnh: DT.

Tạo đà phát triển vùng, kết hợp Tây Nguyên và biển

Theo ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được thực hiện trên tinh thần “gần dân, sát dân”, nhằm phục vụ người dân tốt hơn. 

Trước khi trình HĐND xem xét, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều phiên họp, lấy ý kiến kỹ lưỡng, kể cả từ cử tri tại những địa phương phải lấy ý kiến hai lần.

“Các xã nhập lại phải có sự tương đồng về văn hóa, truyền thống, để tạo không gian phát triển mới. Những cán bộ được chọn làm bí thư, chủ tịch các xã động lực phải đủ đức, đủ tài, đủ tầm nhìn. Nếu sau 1 – 2 năm không phát triển được, thì phải thay thế”, ông Dũng nói.

Quy Nhơn nhìn từ trên cao, là thành phố có núi lẫn biển. Ảnh: Dũng Nhân.

Liên quan đến tên gọi các đơn vị hành chính mới, tỉnh đã tiếp thu ý kiến người dân, đổi từ cách đặt tên đánh số sang tên gắn với địa danh lịch sử, mang tính nhận diện và giá trị văn hóa cao hơn.

Ông Dũng khẳng định, việc sáp nhập Bình Định và Gia Lai được hai tỉnh thống nhất cao, là bước đi chiến lược tạo lợi thế lớn để phát triển kinh tế – xã hội. Sự kết hợp giữa tiềm năng kinh tế biển của Bình Định và thế mạnh nông – lâm nghiệp, du lịch sinh thái của Tây Nguyên sẽ mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, trình các cơ quan có thẩm quyền đúng quy định trước ngày 1/5. Đồng thời, xây dựng phương án cụ thể về quản lý tài sản công, trụ sở, nhà ở công vụ để tránh thất thoát, lãng phí; đảm bảo hoạt động của bộ máy mới diễn ra liên tục, không làm gián đoạn các dịch vụ hành chính và yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.


Nguồn: https://danviet.vn/tinh-gia-lai-moi-gan-36-trieu-dan-rong-thu-hai-ca-nuoc-so-huu-kinh-te-ca-rung-lan-bien-d1328190.html