Lâm Đồng hướng đến kinh tế xanh, tuần hoàn

Sáng ngày 30/5, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế xanh và phát triển bền vững”.

Theo Ban tổ chức, Hội thảo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng khoa học với hơn 90 bài viết gửi về từ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Các tham luận trải rộng từ lý luận và khái niệm về kinh tế xanh, mô hình phát triển bền vững, quy hoạch không gian, quản lý tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi năng lượng. Hội thảo cũng có sự tham gia của khoảng 200 đại biểu là lãnh đạo, nhà quản lý của tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Quang cảnh buổi Hội thảo khoa học quốc gia “Kinh tế xanh và phát triển bền vững”.

Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, nền kinh tế thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng truyền thống – vốn dựa vào khai thác tài nguyên và tiêu thụ năng lượng hóa thạch sang mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

“Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, bảo đảm phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

Ba nhiệm vụ chiến lược là: giảm cường độ phát thải nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất, phát triển kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững”, PGS.TS Nguyễn Minh Tâm phát biểu.

PGS.TS Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại hội thảo.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, để có thể tự tin vững bước cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tỉnh Lâm Đồng xác định kinh tế xanh, kinh tế số, tuần hoàn là một trong những trụ cột trọng tâm, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, bảo vệ hệ sinh thái, nâng cao chất lượng sống và xây dựng lợi thế cạnh tranh dài hạn, là định hướng chiến lược quan trọng và là cơ hội để bứt phá, chuyển mình, tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển bền vững.

Ông Đinh Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại hội thảo.

“Với đặc điểm tự nhiên về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và lợi thế về mặt xã hội, nhất là lực lượng lao động dồi dào, có kinh nghiệm, trình độ và chất lượng chuyên môn cao giúp tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, du lịch và các loại hình dịch vụ.

Phát triển kinh tế xanh không chỉ là mục tiêu phát triển mà còn là phương thức chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, mở ra dư địa lớn cho đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng hội nhập, không chỉ cho Lâm Đồng và Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung”, ông Đinh Văn Tuấn nói.

Lâm Đồng sẽ là “siêu thị” của nông sản xanh, sạch

Đó là nhận định của GS.TS Mai Trọng Nhuận khi nói về giải pháp phát triển kinh tế xanh, tại Lâm Đồng. Theo TS Mai Trọng Nhuận, kinh tế xanh của Lâm Đồng là sự kết tinh từ lợi thế của điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên văn hóa, lịch sử, phát huy lợi thế để khẳng định vị thế Lâm Đồng trong nông nghiệp công nghệ cao và du lịch.

“Lâm Đồng sẽ là “siêu thị” nông sản xanh, sạch cho cả nước và là điểm đến “tươi, đẹp” cho một “trạm sạc” sức khỏe cho du khách. Lâm Đồng được biết đến là một tỉnh đứng đầu cả nước về nông nghiệp công nghệ cao, Lâm Đồng với ưu thế về điều kiện khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và giá trị văn hóa phong phú, là điều kiện thuận lợi tạo điểm đến nghỉ dưỡng cho du khách trong và ngoài nước”, GS.TS Mai Trọng Nhuận phát biểu.

GS.TS Mai Trọng Nhuận trình bày tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã trao đổi thông qua 6 tham luận chính tập trung vào các chủ đề thiết thực: Nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch nông thôn; Kinh tế tuần hoàn và tổ chức không gian kinh tế sau sáp nhập tỉnh; Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và AI trong phát triển kinh tế xanh; Xử lý chất thải làm đầu vào hữu cơ cho nông nghiệp bền vững và nhiều nội dung liên quan đến đánh giá môi trường, phát triển du lịch sinh thái, NET ZERO CARBON, ESG – bộ tiêu chuẩn quốc tế đánh giá hiệu quả hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Tỉnh Lâm Đồng đang hướng đến một nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, bền vững.

Theo ông Đinh Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Hội thảo “Kinh tế xanh và phát triển bền vững” diễn ra khi định hướng liên kết vùng và hợp nhất ba tỉnh Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Thuận đang được nghiên cứu, thảo luận ở tầm chiến lược. Đây là cơ hội vàng để hình thành một cực tăng trưởng mới, có quy mô đủ lớn, động lực đủ mạnh và tầm ảnh hưởng đủ sâu rộng, góp phần dẫn dắt xu thế kinh tế xanh và phát triển bền vững cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

Sau hợp nhất với Đắk Nông, Bình Thuận, tỉnh Lâm Đồng mới hy vọng sẽ trở thành hạt nhân liên kết phát triển vùng, tạo nên một chuỗi giá trị liên hoàn và bền vững.

Sau khi hợp nhất 3 tỉnh, sẽ có một tổ hợp lợi thế chiến lược gồm: Lâm Đồng: trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và phát triển rừng bền vững; Đắk Nông: tiềm năng lớn về khoáng sản, năng lượng tái tạo và công nghiệp công nghệ cao; Bình Thuận: đầu mối logistics ven biển, trung tâm năng lượng sạch và du lịch biển phía Nam.

Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng hy vọng, tỉnh Lâm Đồng mới sau sáp nhập sẽ trở thành hạt nhân liên kết phát triển vùng, tạo nên một chuỗi giá trị liên hoàn và bền vững – kết nối rừng với biển, cao nguyên với duyên hải, nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ – từ đó hình thành một mô hình tăng trưởng xanh, hài hòa, bao trùm và phát triển bền vững cho cả khu vực.


Nguồn: https://danviet.vn/tinh-lam-dong-dinh-huong-kinh-te-xanh-tuan-hoan-la-tru-cot-trong-tam-d1336317.html