Cà phê giống “cháy hàng” ngay đầu mùa, nông dân đổ về “thủ phủ cây giống” tại Đắk Lắk tìm mua
Từ đầu tháng 5, nhiều địa phương ở Đắk Lắk, Đắk Nông đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, tín hiệu báo mùa trồng mới bắt đầu. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân Tây Nguyên tranh thủ mua cà phê giống về trồng.

Không khí mua bán cà phê giống vì thế cũng nhộn nhịp hẳn lên, đặc biệt là tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) – được xem là “thủ phủ cây giống” của Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên. Trên tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, hàng chục cơ sở giống lớn nhỏ hoạt động hết công suất, khách ra vào tấp nập.
Từ sáng sớm, từng đoàn xe tải, xe công nông chở người dân từ các huyện Krông Pắc, Cư M’gar, Ea Kar, Cư Kuin… nườm nượp đổ về đây chọn mua cà phê giống.

Ông Nguyễn Quốc Thái (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) đang lựa từng cây cà phê giống khỏe mạnh để tái canh.
“Tôi có gần 2ha cà phê trồng từ năm 2001, nay đã già cỗi. Năm ngoái tôi chặt bỏ gần nửa diện tích và năm nay quyết tâm tái canh bằng giống mới. Tôi đang mua hơn 1.000 cây cà phê ghép để trồng lại toàn bộ vườn cũ”, ông Thái nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Sang, một nông dân ở xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, cũng tất bật với công việc đầu mùa.
“Gia đình tôi vừa mua thêm gần 1ha đất để mở rộng diện tích canh tác. Ngay từ tháng 2, tôi đã tranh thủ đi tìm và đặt mua cà phê giống để kịp thời vụ. Cây giống năm nay được chăm ươm khá tốt, hi vọng năng suất những năm tới sẽ khả quan hơn”, ông Sang chia sẻ.

Khi giá cà phê liên tục lập đỉnh trong hai năm qua, nông dân Tây Nguyên không chỉ phấn khởi thu hoạch mà còn mạnh dạn “rót vốn” đầu tư cho mùa vụ mới.
Đáp ứng làn sóng tái canh và mở rộng diện tích, các vườn ươm cà phê giống cũng tăng tốc chuẩn bị nguồn cây giống chất lượng.
Tại xã Hòa Thắng, ông Nguyễn Bá Phương, người có nhiều năm làm cà phê giống, cho biết: “Ngay từ đầu mùa đã có nhiều khách đặt hàng. Để kịp thời phục vụ, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn 100.000 cây thực sinh và 10.000 cây ghép. Hơn 50% lượng cây giống đã được giao đến bà con và đại lý khắp vùng.”
Tại một điểm kinh doanh khác cũng trên đường Nguyễn Lương Bằng, hơn 40.000 cây cà phê thực sinh đã được đặt mua hết. Các cây cà phê ghép còn chưa kịp hoàn thành đã có khách chốt đơn trước, thậm chí “cháy hàng” liên tục.


Nhu cầu tăng cao kéo theo giá cả tăng mạnh. Tại xã Hòa Thắng, cà phê thực sinh được bán với giá khoảng 8.000 đồng/cây; cà phê giống ghép dao động từ 14.000 – 20.000 đồng/cây tùy loại và kích cỡ.
Trong khi đó, một cơ sở tại huyện Cư M’gar bán cà phê ghép từ 18.000 – 20.000 đồng/cây; cà phê thực sinh khoảng 8.000 đồng/cây.
Không chỉ cây cà phê giống tăng giá, các chi phí đầu vào khác cũng leo thang. Một chủ vườm ươm tại Hòa Thắng chia sẻ:
“Đất làm bầu giống từng có giá khoảng 500.000 đồng/xe nay tăng lên 1 – 1,2 triệu đồng/xe. Chồi ghép cà phê cũng tăng từ 500 – 800 đồng/chồi lên 1.400 – 1.500 đồng/chồi.”
Thời tiết thuận lợi, nông dân trồng sớm, cây cà phê giống bán sạch chỉ trong nửa tháng
Không khí trồng cà phê đầu mùa không chỉ sôi động ở Đắk Lắk mà còn lan rộng ra nhiều tỉnh Tây Nguyên khác.
Tại xã Quảng Hòa (huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông), cơ sở cây giống Xuân Phương cũng “hết hàng” ngay đầu mùa mưa.

“Những năm trước, người dân thường bắt đầu xuống giống cà phê vào khoảng đầu tháng 6. Nhưng năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên việc trồng cà phê được đẩy sớm hơn. Chỉ trong vòng 15 ngày trở lại đây, lượng khách tăng đột biến. Toàn bộ 30.000 cây cà phê giống mà gia đình tôi ươm được đã bán hết sạch”, anh Phương cho biết.

Theo anh Phương, để đảm bảo chất lượng, anh lựa chọn hạt giống cà phê từ Viện Ea Kmat để ươm. Hạt giống có giá 700.000 đồng/kg, cây thực sinh sau khi ươm bán với giá 8.000 đồng/cây.
Đang chọn mua cây cà phê giống tại vườn ươm Xuân Phương, anh Lý A Thống (thôn 11, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long) chia sẻ:
“Gia đình tôi có hơn 2,5ha đất, đã trồng 2.000 cây. Vụ thu hoạch năm 2024 nhà tôi được hơn 8 tấn cà phê nhân. Thấy giá cà phê đang ở mức cao, tôi tiếp tục mua thêm 500 cây cà phê giống để về trồng hết diện tích đất”.


Anh Lý A Thống (thôn 11, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông) cùng người nhà lựa chọn cây cà phê giống để đưa lên xe công nông, chuẩn bị mở rộng diện tích trồng cà phê trong vụ mới.
Theo ông Đào Hữu Hiền, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cà phê Ea Kmat (Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên), từ năm 2023 đến nay, nhu cầu mua cà phê giống tăng mạnh.
Trên toàn tỉnh hiện có hàng trăm hộ sản xuất cây giống, chủ yếu là cà phê thực sinh (TRS1) và cà phê ghép (TR4, TR9, TR11).
Ông Hiền khuyến cáo người dân nên chọn mua cây giống tại các cơ sở được cấp phép, có nguồn gốc rõ ràng. Các cơ sở tư nhân muốn sản xuất cây giống đạt chuẩn cũng cần dùng hạt giống, chồi giống được cấp phép.
“Riêng năm nay, đơn vị đã sản xuất khoảng 2 triệu cây cà phê giống để phục vụ thị trường. Giá bán cà phê thực sinh là 4.500 đồng/cây; cà phê ghép là 9.000 đồng/cây”, ông Hiền cho biết.
Nguồn: https://danviet.vn/gia-tang-cao-cay-ca-phe-giong-chay-hang-nong-dan-dak-lak-dak-nong-tranh-nhau-mua-d1335356.html