Thêm cầu nối tái lập mối “lương duyên lịch sử” Phú Yên – Đắk Lắk

(Thanh tra) – Bộ Chính trị cho chủ trương hợp nhất hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên đã vô tình tái lập mối “lương duyên lịch sử”. Để “Biển và Rừng” hoà quyện, giao thông là điều kiện tiên quyết.

  • Ông Nguyễn Thiên Văn được Thủ tướng giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk

  • Lộ trình giải quyết chế độ cho cán bộ sau sắp xếp ở Đắk Lắk

  • Phương án và lộ trình sắp xếp cán bộ, công viên chức, người lao động tỉnh Đắk Lắk

Quốc lộ 29 từ thủ phủ cà phê xuống Phú Yên dài hơn 200km. Ảnh: VL

Khi “Biển và Rừng” về chung 1 nhà

Đắk Lắk và Phú Yên từng có “lương duyên lịch sử” trong kháng chiến chống Mỹ. Thời ấy, Phú Yên là hậu phương vững mạnh, cung cấp lương thực, muối, gạo và các nhu yếu phẩm thiết yếu cho Đắk Lắk. Đồng thời, Đắk Lắk đóng vai trò là điểm tựa chiến lược từ hướng miền núi, hỗ trợ cho Phú Yên trong những thời khắc khó khăn. Mối liên kết giữa hai vùng đất này sâu sắc đến nỗi người dân đã truyền miệng câu ca dao: “Sông Ba chảy xuống Đà Rằng, Ai yêu Đắk Lắk cho bằng Phú Yên”.

Đến nay, “mối duyên” ấy được tái hợp khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 60-NQ/TW ngày 12/4/2025. Theo đó, hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên hợp nhất thành tỉnh Đắk Lắk. Sau sáp nhập tỉnh mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 18.096 km², dân số trên 3,3 triệu người. Khoảng cách từ thủ phủ cà phê xuống đô thị ven biển của tỉnh Đắk Lắk mới dài hơn 200km.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đắk Lắk và Phú Yên họp bàn phương án hợp nhất. Ảnh: HT

Sau hàng loạt vấn đề cần quan tâm liên quan đến hợp nhất, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh rất quan tâm đến đầu tư hạ tầng giao thông. Hiện Quốc lộ 29 là tuyến đường huyết mạch nối Tây Nguyên – Nam Trung Bộ mà không vượt núi băng đèo.

Tuy nhiên, Quốc lộ 29 hiện trạng cơ bản đường cấp IV miền núi, bề rộng mặt đường từ 5,5 m đến 16 m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa và đá dăm láng nhựa. Hiện Quốc lộ 29 đã xuống cấp, gây khó khăn cho lưu thông.

Anh Phan Văn Nam – một người dân Đắk Lắk không giấu được niềm vui khi Đắk Lắk và Phú Yên sắp về một nhà. Anh chia sẻ: “Đây thực sự là một bước tiến lớn, không chỉ giúp hai tỉnh gần gũi hơn mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển.” Tuy nhiên, anh cũng bày tỏ lo lắng về tình trạng xuống cấp của Quốc lộ 29, con đường huyết mạch nối liền hai vùng. “Nếu được nâng cấp, giao thông sẽ thuận tiện hơn rất nhiều, giúp chúng tôi dễ dàng di chuyển và giao thương,” anh Nam nói, với hy vọng rằng sự đầu tư vào hạ tầng sẽ sớm trở thành hiện thực.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thu, một trong khoảng 1.000 cán bộ công chức của tỉnh Phú Yên, sẽ phải di chuyển lên Buôn Ma Thuột làm việc sau sáp nhập. Trong chuyến họp bàn về phương án sáp nhập, bà cho biết đoàn phải di chuyển chậm do đường chật hẹp và xuống cấp, phải né nhiều xe.

“Đường xấu khiến tôi mệt mỏi cả ngày, có khi qua ngày hôm sau vẫn còn ê ẩm. Khi hai tỉnh hợp nhất, việc đi lại sẽ rất khó khăn. Tôi chỉ có thể về nhà một lần mỗi tuần, có lẽ phải đi từ chiều Chủ nhật để kịp giờ làm sáng thứ Hai”, bà Thu chia sẻ.

Phú Yên và Đắk Lắk đã làm tờ trình gửi Bộ Xây dựng, Tài chính nghiên cứu bố trí kinh phí hỗ trợ cho địa phương để nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ 29. Ảnh: VL

Kỳ vọng về tuyến cao tốc Rừng – Biển

Ông Trương Công Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, phương án đang được đề xuất là đầu tư nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến từ Km31+300 (giao Quốc lộ 1, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đến điểm giao Quốc lộ 14 (Km178+062, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) với tổng chiều dài khoảng 147 km.

Tuyến đường dự kiến được nâng cấp lên quy mô đường cấp III, với vận tốc thiết kế 60-80 km/giờ, gồm 4 làn xe, nền đường rộng 20,5 m, mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Trước mắt là phải nâng cấp, cải tạo để phục vụ việc đi lại thuận lợi trong điều kiện cán bộ công chức lên công tác dự kiến bắt đầu từ 1/9 tới đây.

Hai tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk đã làm tờ trình gửi Bộ Xây dựng, Tài chính nghiên cứu bố trí kinh phí hỗ trợ cho địa phương để nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ này trong thời gian sớm nhất.

Theo ông Tạ Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khi Quốc lộ 29 được cải tạo, nâng cấp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người và phương tiện đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội sau sáp nhập.

Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh Đắk Lắk mới nhất định phải xây dựng tuyến cao tốc tạo trục giao thông xương sống Đông – Tây hướng ra biển, phát triển theo định hướng của Trung ương.

Vấn đề này cũng đã được thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh thống nhất và có thể được triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ngay trong giai đoạn 2025 – 2030 thay vì theo quy hoạch của Chính phủ giai đoạn sau 2030.

Nguồn: https://thanhtra.com.vn/ky-nguyen-moi-cua-dan-toc-6E454529F/them-cau-noi-tai-lap-moi-luong-duyen-lich-su-phu-yen-dak-lak-508599f5b.html