
Dự án nghìn tỉ đồng bỏ không
Theo đó, dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long mở rộng (ở Thanh Hóa) được khởi công vào tháng 9.2015. Dự án có quy mô hơn 286ha, bao gồm vị trí địa giới hành chính thuộc các xã Hoằng Anh, Hoằng Long (nay sáp nhập 2 xã này thành phường Long Anh) và xã Hoằng Quang của TP Thanh Hóa; xã Hoằng Minh, Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh của huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 2.300 tỉ đồng, được thiết kế là khu công nghiệp kiểu mẫu, đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ đa ngành. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ thu hút từ 60.000 – 80.000 lao động. Tuy nhiên, nhiều năm sau ngày khởi công, dự án chỉ xây dựng được duy nhất khu cổng chào, dựng vài trăm mét hệ thống tường quây và san lấp đất quanh khu vực cổng (hiện khu vực này đã được tháo dỡ), phần lớn diện tích còn lại đều bỏ hoang.
Đến cuối tháng 4.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Ban Quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chuẩn bị các thủ tục, đồng thời tiến hành làm việc với Tập đoàn FLC để thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án.
Tiếp sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo, giao TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa đưa ra phương án đầu tư xây dựng kênh mương thủy lợi, để người dân khôi phục sản xuất, cấy cày trở lại. Thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh, TP Thanh Hóa và huyện Hoằng Hóa đã tổ chức họp dân, đưa ra phương án để triển khai, thực hiện.
Tiến hành cày cấy trở lại
Trao đổi với Lao Động về sự việc trên, ông Lê Thiệu Phúc – Phó phòng Kinh tế – UBND TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa – cho biết, đối với dự án Khu công nghiệp FLC Hoàng Long mở rộng, trên địa bàn thành phố có khoảng 70ha (thuộc phường Long Anh và xã Hoằng Quang) bị ảnh hưởng.
“Sau nhiều năm, số diện tích này bị bỏ không, hoang hóa, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, tháng 11.2023, thành phố đã cho triển khai, khôi phục lại hoạt động sản xuất tại đây. Khi chúng tôi tổ chức họp dân, có 2 hướng để triển khai. Thứ nhất là người dân có ruộng sẽ tự làm, thứ hai là người dân có thể cho một tổ chức hoặc cá nhân nào thuê lại để sản xuất” – ông Phúc cho hay.
Theo ông Phúc, qua các cuộc họp, đa phần các hộ dân đều không có nhu cầu cấy cày trở lại mà đồng ý cho tổ chức hoặc cá nhân đứng thuê lại, cải tạo và sản xuất. Vậy nên, đến hiện tại, số diện tích thuộc dự án của Tập đoàn FLC trước đây (trên địa giới hành chính TP Thanh Hóa) đang được giao cho một hộ cá nhân (ở xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa) quản lý, tổ chức sản xuất.
“Đến nay hộ dân này đã gieo trồng được 2 vụ lúa trên một phần diện tích, với diện tích còn lại đang tiếp tục cải tạo, sửa sang lại hệ thống thủy lợi do nhiều năm bỏ hoang đã bị hư hỏng. UBND TP Thanh Hóa cũng đã có tờ trình đến UBND tỉnh về việc hỗ trợ cải tạo, nâng cao chất lượng đất trồng lúa tại khu vực này, theo Nghị định 112 năm 2024” – ông Phúc thông tin.
Cũng theo ghi nhận thực tế của PV Báo Lao Động, tại khu vực dự án (nay thuộc địa phận huyện Hoằng Hóa), một số hộ dân cũng đã đứng ra nhận thầu lại các thửa ruộng của người dân để tiến hành canh tác, cấy cày trở lại. Riêng một phần nhỏ diện tích (nơi trước đây Tập đoàn FLC xây dựng cổng chào, quây tường xung quanh) vẫn đang bỏ hoang, bởi vị trí này đã được san lấp mặt bằng khiến không thể canh tác. Thậm chí, nơi đây đang trở thành địa điểm đổ rác thải, mất mỹ quan và ô nhiễm.
Nguồn: https://laodong.vn/xa-hoi/du-an-nghin-ti-dong-cua-tap-doan-flc-o-thanh-hoa-bo-hoang-da-duoc-phuc-hoi-trong-lua-1429596.ldo